Chùa Vĩnh Nghiêm – Bắc Giang ngôi chùa Trung tâm phật giáo lớn nhất thời Trần

Được mệnh danh là trung tâm phật giáo lớn nhất thời nhà Trần. Ngôi chùa cổ Vĩnh Nghiêm với lịch sử và sự linh thiêng cũng được coi là nơi phát tích Tam Tổ của thiền phái Trúc Lâm. Chùa Vĩnh Nghiêm được đặt tại vị trí đất rộng có địa thế hình con rùa, chùa hướng về ba sông Phượng Nhãn, nơi hợp lưu của sông Lục Nam và sông Thương.

Chùa Vĩnh Nghiêm hay còn được biết đến với tên gọi chùa Đức La. Khi vua Trần Nhân Tông rời bỏ ngai vị xuất gia tu hành, ngài đã chọn chùa Vĩnh Nghiêm là nơi thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo thời Trần (thế kỉ XIII).

Khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm nhìn từ trên cao, với hình ảnh này dễ dàng nhìn thấy kiến trúc một trục hướng Nam Bắc gồm 5 khối. Đây là kiến trúc điển hình của những ngôi chùa cổ có quy mô rộng lớn, khối kiến trúc lần lượt là : khối Tam Quan, khối Tam Bảo, nhà thờ Tổ đệ nhất, gác chuông và nhà thờ Tổ đệ nhị, cùng một số công trình khác như hành lang tả vu, hữu vu và khu vườn tháp…

Cho tới hiện nay, tại chùa Vĩnh Nghiêm còn đang lưu giữ được nhiều hiện vật quý hiếm nó là những hiện vật tiêu biểu của phật giáo và chùa cổ Việt Nam.

Khuôn viên chùa còn giữ được nét cổ kính và sơ khai. Cũng chính vì vậy chùa Vĩnh Nghiêm hiện được rất nhiều du khách thập phương tới tìm hiểu nét văn hóa và kiến trúc.

Khối thứ nhất là cổng Tam Quan. Qua chốn Tam Quan này nghĩa là đã bước vào cảnh thiền, bước vào chốn linh thiêng. Khối thứ hai là tòa Tam Bảo với kiến trúc kiểu chữ “Công” gồm Tiền đường, Thượng điện và nhà Thiêu hương.

Khối thứ ba cũng làm theo kiểu chữ Công nhưng thấp và nhỏ hơn. Đây là nhà Tổ đệ nhất thờ ba vị sư tổ sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm. Hiện nay, trong nhà Tổ đệ nhất còn đủ ba tượng Trúc Lâm Tam tổ: trong khám là tượng Hương Vân Trần Nhân Tông, bên ngoài là tượng Pháp Loa và tượng Huyền Quang. Trong này còn có một tấm bia đá rất lớn được khắc từ thời Nguyễn, ghi lại công đức của các vị đã xây dựng chùa và quá trình tu bổ chùa.

Khối thứ tư là gác chuông cao 2 tầng 8 mái, treo một quả chuông lớn. Kiến trúc lầu chuông được kết hợp giữa cấu trúc gỗ và gạch, ở phần giữa có treo những quả chuông đồng nhỏ (chuông gió).

Xem thêm: Các công trình Đình Chùa đẹp

Khối thứ năm, kết cấu kiểu chữ “Đinh” là nhà Tổ đệ nhị thờ Tổ Pháp Loa. Đây là công trình thời Lê – Nguyễn, là nơi an trí tượng, bài vị hoặc ảnh thờ các vị Tổ sư kế tiếp ba vị Tổ sư khai sáng của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Với những ngôi cổ tự Việt Nam, đặc biệt những ngôi chùa cổ Bắc Bộ thì kiến trúc và khuôn viên luôn là điểm đặc biệt gây thích thú với những du khách thập phương. Mỗi ngôi chùa lại gắn liền với những câu chuyện lịch sử vô cùng thú vị được lưu lại hay kể lại để con cháu đời sau nhớ và gìn giữ những giá trị lịch sử.

 

 

error: Content is protected !!